Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm,ộtsốtrườnghọcbỏtổchứlịch van niên quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, hôm 26/10 ra thông báo, yêu cầu phụ huynh học sinh không cho con mang đồ chơi nguy hiểm, các vật sắc nhọn đến trường; không hóa trang thành ma quỷ và các nhân vật kinh dị.
"Nhà trường không tổ chức trang trí lễ Halloween. Một số nội dung liên quan đến lễ hội, các con sẽ được học trong tiết tiếng Anh", trích thông báo. Những đồ chơi, vật dụng không phù hợp sẽ bị trường tịch thu, không trả lại.
Bà Đào Thị Thủy, Hiệu trưởng trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, lý giải đây không phải lễ hội truyền thống của Việt Nam; có nhiều rủi ro cho vấn đề an toàn của học sinh và không phải hoạt động trọng tâm của nhà trường.
Nhiều trường học khác cũng ra thông báo tương tự. Phụ huynh lớp 2 một trường tiểu học ở Bắc Ninh được giáo viên chủ nhiệm cho hay trường không tổ chức Halloween như mọi năm. Lý do là "việc trang trí, hóa trang với những màu sắc, hình ảnh rùng rợn có thể gây sợ hãi cho học sinh nhỏ tuổi".
Cũng để tránh ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ nhỏ, một trường mầm non ở Thái Nguyên chỉ cho học sinh làm những con nhện từ kẹo mút để thư giãn, không trang trí đáng sợ như các lễ hội Halloween.
Còn ở trường Marie Curie, Hà Nội, thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng, cũng cho hay những năm trước trường đều tổ chức Halloween vào ngày 31/10 nhưng năm nay bỏ, ưu tiên cho lễ hội trung thu và 20/11. Hoạt động có liên quan Halloween chỉ tổ chức ở 6 lớp song ngữ khối tiểu học.
"Các lớp này học tiếng Anh thông qua các hoạt động văn hóa quốc tế", thầy Khang lý giải. Học sinh sẽ thuyết trình về trang phục ấn tượng hay thử tài hiểu biết về Halloween.
Thông tin một số trường không tổ chức Halloween được quan tâm, giữa tranh cãi về đề xuất cấm lễ hội Halloween trong trường học.
Là giáo viên ở Hà Nội, chị Hà nhìn nhận lễ hội Halloween có ý nghĩa tích cực, nhưng gần đây biến tướng nên ủng hộ cách làm của các trường nói trên.
"Tôi và bạn bè năm nào cũng nhận được tin nhắn trên nhóm lớp, yêu cầu mua đồ trang trí (quần áo, mũ mão, mặt nạ...) cho con mang tới trường. Nhiều trường tổ chức rềnh rang, trang trí rùng rợn mà thông điệp thì mù mờ, chưa chắc đã truyền tải đúng ý nghĩa và nội dung", chị nhận xét.
Tuy nhiên, một số phụ huynh cho rằng cách này là "cực đoan". Chị Nguyễn Mai Trang ở quận Hà Đông cho rằng Halloween có nguồn gốc phương Tây, ngoài ý nghĩa tri ân người đã mất, lễ hội còn là dịp vui chơi của trẻ em và người lớn.
"Nên xem Halloween như một ngày lễ vui vẻ, cũng là bước chuẩn bị để các con hội nhập sau này. Quan trọng là cách các nhà trường tổ chức ra sao để không có những hình ảnh quá rùng rợn, gây ám ảnh", chị Trang nói.
Cô Hà Thị Vân Anh, Hiệu trưởng trường Mầm non Tân Thời Đại - Fun Academy cơ sở Nguyễn Xiển, cho rằng vẫn nên tổ chức Halloween nếu các hoạt động nhằm phát triển kỹ năng, năng lực cho trẻ.
"Bây giờ không cho con tiếp cận, sau này con du học hoặc ra ngoài xã hội thì vẫn có hoạt động đó. Thay vì cấm, các cô cho các con cách tham gia và thể hiện nó một cách có ý nghĩa", cô Vân Anh nói.
Halloween là lễ hội văn hóa có nguồn gốc từ Kitô giáo, được tổ chức vào 31/10 hàng năm để tưởng nhớ các vị thánh, các vị tử đạo cùng tín hữu trung kiên đã qua đời và để con người không còn sợ hãi cái chết. Các hoạt động phổ biến trong lễ hội Halloween là trick-or-treat (bị ghẹo hay cho kẹo), đốt lửa, khắc bí ngô, hóa trang thành những nhân vật ma quái, tham dự các bữa tiệc được trang trí rùng rợn.
Lễ hội Halloween du nhập vào Việt Nam hơn chục năm trước, hiện là hoạt động phổ biến ở các trường học. Tuy nhiên, gần đây không ít ý kiến cho rằng Halloween là lễ hội ma quỷ của phương Tây, không phải hoạt động giáo dục và đề xuất bỏ.
Theo một khảo sát tháng 11/2022 của VnExpress, trong 1.866 người được hỏi, hơn 1.100 phiếu (63%) cho rằng không nên tổ chức Halloween. 603 phiếu (32%) nói nên tổ chức, còn lại 86 ý kiến khác.
Bình Minh